Cách tạo động lực cho nhân viên và thiết lập kỷ luật
Cách tạo động lực cho nhân viên và thiết lập kỷ luật trong doanh nghiệp không phải là vấn đề đơn giản, đòi hỏi người quản lý phải có kỹ năng lãnh đạo, có tầm nhìn và sự thấu hiểu để thúc đẩy nhân viên. Ở bài viết này, BEMO sẽ giúp các doanh nghiệp giải quyết vấn đề trên với những gợi ý tạo động lực và kỷ luật đơn giản trong tổ chức.
Table of Content
1. Cách tạo động lực cho nhân viên
Để nhân viên hăng say làm việc, cống hiến hết mình cho công việc thì doanh nghiệp phải tạo ra chất xúc tác cảm xúc của họ. Hãy thử những cách dưới đây và theo dõi kết quả nhé.
- Công việc phải có ý nghĩa
Theo một khảo sát, 29% nhân viên cho rằng công việc họ làm mang đến giá trị cho tổ chức là động lực lớn nhất để cống hiến. Chỉ 25% làm vì tiền bạc và 17% thích được công nhận.
Do đó, doanh nghiệp phải đưa ra được mục tiêu, tầm nhìn rõ ràng để nhân viên thấy rằng nỗ lực của họ là xứng đáng, họ đang đồng hành và góp phần giúp doanh nghiệp đạt các mục tiêu đề ra.
- Truyền thông liên tục
Để đạt được mục tiêu đặt ra, doanh nghiệp và trưởng bộ phận cần truyền thông liên tục cho nhân viên về phương pháp áp dụng các công nghệ mới, quy trình mới, hoặc chiến lược cải thiện.
Quá trình này phải diễn ra thường xuyên và chặt chẽ. Phía nhân viên cũng cần có KPIs để nỗ lực, cũng như được đánh giá kết quả mỗi tháng nhằm cho họ thấy rằng cần nỗ lực như thế nào để đạt mục tiêu.
- Mô tả công việc rõ ràng
Để nhân viên không thấy mơ hồ và làm việc hời hợt, cấp lãnh đạo phải đưa ra mô tả công việc, kết quả mong đợi cụ thể, chẳng hạn sử dụng các chỉ số đo lường sao cho dễ dàng thống kê, so sánh và đánh giá một cách công bằng.
- Không trách móc nặng nề
Trong quá trình làm việc, nhân viên và bộ phận chuyên trách khó tránh gặp sai sót, vì thế cấp lãnh đạo không nên dùng lời lẽ hằn học để trách móc, làm cho nhân viên mất tinh thần. Thay vào đó, lãnh đạo hãy thể hiện thái độ chia sẻ và tìm cách giải quyết cùng nhau, chú trọng giải quyết vấn đề chứ không chăm chăm vào sai lầm của cá nhân.
Ví dụ, nhân viên bán hàng sai sót trong đơn đặt hàng của khách, cấp quản lý đừng nên tức giận, gặng hỏi “Ai gây ra lỗi này?”, mà nên nói “Sai sót này giờ chúng ta nên giải quyết thế nào?” để nhân viên gây ra lỗi mạnh dạn đề xuất để sửa sai. Đây cũng là một cách động viên nhân viên để nhân viên nỗ lực và học cách xử lý vấn đề phát sinh.
- Trao sự tin tưởng
Tự trọng của con người rất cao và nhân viên sẽ nỗ lực làm việc nếu biết rằng lãnh đạo tin tưởng mình. Cấp lãnh đạo nên cho họ quyền hạn để quyết định trong các dự án mới thách thức, khuyến khích họ tìm cách hoàn thành.
Tuy nhiên, nếu không đạt thành công như kỳ vọng, cấp lãnh đạo hãy sẵn sàng đối mặt, không nên tức giận mà nên cùng nhân viên đúc kết kinh nghiệm. Đây là cách tạo động lực rất lớn cho nhân viên để nhân viên làm việc hăng hái hơn.
- Ghi nhận thành tích
Không thể phủ nhận nhân viên vẫn thích được ghi nhận thành tích sau khi đạt được mục tiêu đề ra. Thế nên, doanh nghiệp cần có những khen thưởng về vật chất hay tinh thần nhằm thúc đẩy nhân viên cố gắng hơn nữa. Hãy đảm bảo công bằng khi khen thưởng thông qua các tiêu chí có thể đánh giá và đo lường cụ thể.
- Tạo cơ hội làm việc nhóm
Tạo sự gắn kết giữa các thành viên cũng là một cách tạo động lực cho nhân viên. Trong lúc làm việc nhóm, nhân viên cần phối hợp, trao đổi và giúp đỡ nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Chính những điều này sẽ mở ra môi trường làm việc thân thiện, nhân viên có cơ hội bày tỏ ý kiến cá nhân và học hỏi từ đồng nghiệp, phát triển kỹ năng xã hội và nghiệp vụ.
2. Kỷ luật phải có trong công việc
Nói đến kỷ luật sẽ có hai loại tồn tại trong doanh nghiệp gồm kỷ luật bắt buộc và kỷ luật tự nguyện. Cụ thể:
- Kỷ luật bắt buộc:
Đây là loại kỷ luật có kiểm soát và tính bắt buộc xuất phát từ tổ chức, mục đích để nhân viên làm việc hiệu quả và tránh sai sót. Với loại kỷ luật này, đòi hỏi tổ chức phải có sự giám sát chặt chẽ các hoạt động của nhân viên.
Nhưng nếu đặt ra kỷ luật quá khắt khe sẽ dễ dẫn đến sự phẫn nộ, phản kháng, kích thích ý định nghỉ việc của nhân viên.
- Kỷ luật tự nguyện:
Đây là hình thức biểu đạt kỷ luật cao nhất. Kỷ luật tự nguyện chính là sự tự giác của nhân viên khi làm việc trong tổ chức, dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau giữa lãnh đạo với cấp dưới.
Với hình thức này, nhân viên sẽ có trách nhiệm hơn trong việc hướng đến mục tiêu chung của tổ chức, thể hiện tinh thần tích cực trong mọi việc.
Để thiết lập tính kỷ luật tự nguyện trong tổ chức, các doanh nghiệp nên:
- Có chính sách rõ ràng, công bằng, thực tế để nhân viên dễ dàng nắm bắt.
- Đảm bảo tất cả nhân viên đều thực thi những nguyên tắc, và tiêu chuẩn của doanh nghiệp.
- Tổ chức cần linh hoạt thay đổi những quy tắc mà số đông không hài lòng hoặc gây ảnh hưởng đến công việc của tập thể.
- Xử phạt phân minh khi thành viên trong tổ chức phạm sai lầm dựa trên quy tắc của doanh nghiệp, điều này sẽ tạo ra một văn hóa doanh nghiệp chấp hành đúng quy định.
- Doanh nghiệp phải có bộ phận chuyên trách giải đáp những quy tắc của doanh nghiệp vì có nhiều nhân viên thích ứng chậm.
3. Kết hợp động lực và kỷ luật sẽ gia tăng hiệu suất đáng kể
Kết hợp hai hình thức trên sẽ thúc đẩy năng suất làm việc của nhân viên. Vì động lực là điểm xúc tác và động viên nhân viên để nhân viên nỗ lực, còn kỷ luật liên quan đến khả năng duy trì sự nhiệt huyết đó.
Một nghịch cảnh thường thấy, khi doanh nghiệp hoặc cấp quản lý chỉ thúc đẩy nhân viên bằng hình thức tạo động lực là về sau họ sẽ trở nên giảm năng suất. Đơn giản vì một khi mang theo tâm lý buông lỏng, ỷ lại vào thành quả trước đó thì sẽ không nỗ lực hơn nữa để đạt thành tích mới.
Đối với kỷ luật cũng vậy, nhà quản lý quá khuôn khổ, một mực theo chính sách thì sẽ khiến nhân viên chán nản vì cảm thấy không được tin tưởng, thiếu động lực để phấn đấu.
Do vậy, nhà quản lý nên kết hợp linh hoạt giữa cách tạo động lực cho nhân viên bằng vật chất (khen thưởng) lẫn tinh thần, đồng thời áp dụng kỷ luật trong công việc để nhân viên đạt sự chỉnh chu khi làm việc, làm việc hiệu quả hướng đến mục tiêu chung của tổ chức.
Trên đây là những cách xây dựng kỷ luật, và cách động viên nhân viên đơn giản trong doanh nghiệp mà cấp quản lý có thể cân nhắc với quy mô công ty hiện tại. Hy vọng bài viết sẽ mang đến kiến thức hữu ích giúp giải quyết bài toán nhân sự cho doanh nghiệp. Tiếp tục theo dõi BEMO để cập nhật nhiều kiến thức hữu ích về quản trị hơn nhé.