Mô hình SWOT – Tận dụng cơ hội vượt qua thử thách
Mô hình SWOT được đánh giá là một trong những phiên bản hiện đại dựa trên binh pháp Tôn Tử: “Biết mình biết ta, trăm trận không nguy”. SWOT giúp doanh nghiệp biết rõ hơn về nội lực đang sở hữu, nhận diện những cơ hội và rủi ro đến từ bên ngoài, từ đó đưa ra những kế hoạch phát triển vượt trội trong tương lai. Để hiểu rõ về tính hiệu quả SWOT, chúng ta cùng nhau tìm hiểu sâu hơn thông qua bài viết dưới đây nhé.
Table of Content
1. Mô hình SWOT
1.1 Nguồn gốc
Cha đẻ của mô hình SWOT là Albert Humphrey – nhà tư vấn quản lý kinh doanh tài ba. Từ những năm 1960, Albert Humphrey và các nhà khoa học thắc mắc rằng: “Tại sao nhiều doanh nghiệp không thành công trong việc lập kế hoạch?”
Tại Viện nghiên cứu Standford, Albert đã thành lập nhóm nghiên cứu và thực hiện cuộc khảo sát với hơn 500 công ty có doanh thu cao nhất được tạp chí Fortune bình chọn. Thông qua kết quả phân tích có được, những mảnh ghép đầu tiên của bức tranh SWOT dần hình thành.
Ban đầu SWOT được khai sinh với tên gọi SOFT: Satisfactory (thỏa mãn), Opportunity (cơ hội), Fault (lỗi), Threat (thách thức). Đến năm 1964, Albert Humphrey và các cộng sự đã thay đổi thành tố Fault sang Weakness mang ý nghĩa điểm yếu để phù hợp hơn đặc điểm doanh nghiệp. Từ đó, mô hình SWOT chính thức xuất hiện và được ứng dụng rộng rãi cho đến hiện tại.
1.2 Khái niệm
SWOT là mô hình phân tích tình hình kinh doanh, xác định điểm mạnh, điểm yếu bên trong nội bộ doanh nghiệp, đồng thời tìm ra cơ hội và nhận diện rủi ro tiềm tàng đang hiện hữu thị trường bên ngoài. Dựa vào đó, doanh nghiệp đưa ra những kế hoạch phát triển vững mạnh trong tương lai.
1.3 Thành tố cấu tạo
Mô hình SWOT được cấu tạo từ 4 thành tố: S – Strength (Điểm mạnh), W – Weaknesses (Điểm yếu), O – Opportunities (Cơ hội), T – Threats (Thách thức). Những thành tố được phân ra làm hai nhóm:
- Nhóm yếu tố xuất hiện từ bên trong nội bộ, doanh nghiệp có thể kiểm soát và điều chỉnh: S – Strength (Điểm mạnh), W – Weaknesses (Điểm yếu)
- Nhóm yếu tố hiện hữu từ môi trường bên ngoài, doanh nghiệp không thể trực tiếp thay đổi mà cần chuẩn bị những phương án dự phòng để đối phó: O – Opportunities (Cơ hội), T – Threats (Thách thức)
2. Ưu, nhược điểm SWOT
2.1 Ưu điểm
- Hạn chế chi phí tối đa: Mô hình SWOT không cần tốn chi phí để cài đặt hoặc mua bản quyền mới có thể sử dụng, mà chủ yếu dựa vào chất xám và năng lực phân tích của doanh nghiệp. Đây là một trong những phương pháp hữu ích, phù hợp với những doanh nghiệp mới thành lập giúp dễ dàng tìm hiểu, phân tích, thu thập dữ liệu, vừa tiết kiệm chi phí.
- Cho ra kết quả quan trọng: Với những dữ liệu có được sau khi phân tích, tạo nên tiền đề giúp doanh nghiệp hình thành những kế hoạch phát triển vững mạnh trong tương lai.
- Sáng tạo mới, đột phá mới: Trong quá trình phân tích, khi biết rõ ưu, nhược điểm bên trong nội bộ cũng như những cơ hội thách thức đến từ bên ngoài, doanh nghiệp sẽ có cơ sở cho những ý tưởng mới lạ, đột phá.
2.2 Nhược điểm
- Kết quả chưa chi tiết: phân tích mô hình cho ra những kết quả quan trọng, nhưng dữ liệu không chi tiết, chưa đưa ra được những con số rõ ràng dẫn đến kết quả còn nằm ở mức tổng quan, chưa chuyên sâu.
- Không có sự khách quan, toàn diện: Những đánh giá điều dựa vào khả năng phân tích khách quan từ một hướng của doanh nghiệp, không có nhiều luồng ý kiến phản bác, không có sự góp ý từ những chuyên gia. Đôi khi những phân vân trong phân tích cũng làm ảnh hưởng kết quả cuối cùng mô hình mang lại.
3. Kiến tạo mô hình SWOT hiệu quả
3.1 Phân tích chi tiết mô hình
3.1.1 S – Strength (Điểm mạnh)
Điểm mạnh là nội lực bên trong doanh nghiệp đang sở hữu. Để tìm ra cũng như không bỏ qua điểm mạnh một cách vô ích, doanh nghiệp có thể tham khảo bộ dữ liệu câu hỏi dưới đây:
- Doanh nghiệp đang sở hữu những nội lực gì: kinh nghiệm, tài chính, nhân sự, quy trình cải tiến, dây chuyền sản xuất hiện đại công nghệ tiên tiến,…?
- Doanh nghiệp có những tài nguyên gì đặc biệt, độc đáo vượt trội so với đối thủ: thương hiệu uy tín, chất lượng, dòng sản phẩm độc quyền, giá cả cạnh tranh,…
- Doanh nghiệp đang làm điều gì tốt nhất, khiến khách hàng yêu thích và lựa chọn hợp tác?
3.1.2 W – Weaknesses (Điểm yếu)
Điểm yếu là yếu tố bất lợi xuất hiện từ bên trong nội bộ, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp. Đây chính là điểm mà đối thủ cạnh tranh có thể tận dụng để khống chế doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần điều chỉnh khắc phục ngay trước khi đối thủ nắm được điểm yếu của mình.
Để hạn chế điểm yếu, doanh nghiệp cần lưu ý những vấn đề sau đây:
- Khách hàng đang có những nhận xét, phàn nàn về doanh nghiệp như thế nào?
- Tại sao khách hàng lại lựa chọn hợp tác với đối thủ cạnh tranh?
- Những vấn đề tiêu cực nào đang tồn tại trong nội bộ doanh nghiệp: đội ngũ nhân sự chưa đoàn kết, tài chính hạn chế, nợ xấu, cơ sở vật chất chưa tốt,…
3.1.3 O – Opportunities (Cơ hội)
Yếu tố cơ hội xuất phát từ bên ngoài trở thành bước đệm tạo nên những lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp phát triển trên thị trường. Những điều kiện khách quan này có thể là:
- Xu hướng toàn cầu thay đổi tích cực, thị trường phát triển.
- Đối thủ cạnh tranh đang gặp vấn đề khó khăn.
- Chính sách, luật thay đổi tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.
3.1.4 T – Threats (Thách thức)
Thách thức (hay nguy cơ) là tác nhân xuất hiện từ bên ngoài gây cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.
- Thị trường biến động, tụt dốc, hành vi người tiêu dùng thay đổi theo chiều hướng xấu ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
- Xuất hiện đối thủ cạnh tranh mới vượt trội hơn về thương hiệu, công nghệ, giá thành.
- Công nghệ thay đổi liên tục.
- Yếu tố dịch bệnh, thiên tai tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh.
3.2 Thiết lập ma trận SWOT
Hiểu rõ và phát huy tối đa từng thành tố cấu tạo mô hình nhằm thiết lập nên ma trận SWOT hiệu quả. Với mỗi yếu tố bên trong kết hợp với từng yếu tố bên ngoài sẽ tạo nên 4 chiến lược “vàng” SO, WO, ST, WT
- Chiến lược SO: Tận dụng điểm mạnh, nắm bắt cơ hội. Dựa vào cơ hội đang sẵn có bên ngoài để phát huy tối đa những nội lực mà doanh nghiệp đang sở hữu.
- Chiến lược WO: Bên cạnh tận dụng cơ hội để khai thác điểm mạnh, doanh nghiệp có thể nhờ vào cơ hội để khắc phục điểm yếu.
- Chiến lược ST: Dùng nội lực của doanh nghiệp làm “sức đề kháng” phòng bị và đối phó với những thách thức, nguy cơ tấn công từ bên ngoài ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Chiến lược này giúp doanh nghiệp nằm ở thế chủ động, luôn có sự phòng bị, dự tính rủi ro trong tương lai.
- Chiến lược WT: Trước những dự đoán thách thức và nguy cơ sắp xảy ra, doanh nghiệp cần khắc phục điểm yếu để phòng tránh sự yếu thế rủi ro, hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra đây được xem là phương pháp phòng thủ.
5 bước thiết lập ma trận SWOT hiệu quả:
- Bước 1: Xây dựng mô hình bằng cách sắp xếp các thành tố ở vị trí phù hợp và lấp đầy dữ liệu vào 4 vị trí S, W, O, T.
- Bước 2: Thực hiện chiến lược SO, phát huy tối đa điểm mạnh cần nghiên cứu lựa chọn cơ hội thích hợp.
- Bước 3: Thực hiện chiến lược ST, nhận thức rủi ro tiềm tàng, dựa vào nội lực đang có chuẩn bị phương án chuyển hóa thách thức thành cơ hội.
- Bước 4: Thực hiện chiến lược WO, cải thiện điểm yếu để nắm bắt cơ hội hiện có.
- Bước 5: Thực hiện chiến lược WT, khắc phục điểm yếu để không trở thành mối đe dọa trong tương lai.
4. Biến tấu mô hình SWOT theo phong cách của doanh nghiệp
Mô hình SWOT xoay quanh 4 ô vuông tượng trưng cho 4 thành tố cấu tạo. Tùy vào năng lực và hướng phân tích khác nhau mà doanh nghiệp biến tấu mô hình theo phong cách phù hợp với hoạt động kinh doanh hiện tại.
Một số mô hình SWOT của các thương hiệu lớn:
Bài viết trên đây đã phân tích chi tiết hơn về mô hình SWOT và tổng hợp một số ma trận SWOT đến từ các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu. Bên cạnh đó, để triển khai mô hình SWOT sao cho hiệu quả thì cần thêm sự hỗ trợ trong vận hành hay số hoá, doanh nghiệp hãy liên hệ với BEMO qua hotline 0865 994 039 hoặc email support@bemo.com để được nhân viên tư vấn trực tiếp. Hy vọng, với những thông tin hữu ích sẽ giúp cho doanh nghiệp có những bước phát triển vững mạnh hơn trên thị trường.