Bật mí 6 bí quyết giúp rèn luyện tư duy chiến lược hiệu quả

Bật mí 6 bí quyết giúp rèn luyện tư duy chiến lược hiệu quả

Tư duy chiến lược là một kỹ năng quan trọng, giúp nhà lãnh đạo vận hành doanh nghiệp phát triển bền vững. Tuy nhiên, muốn đạt được tư duy chiến lược ở mức độ cao, mỗi cá nhân cần dành ra nhiều tâm huyết, trải qua quá trình nỗ lực học hỏi, rèn luyện kỹ năng từng ngày. Nếu doanh nghiệp đang tìm những phương pháp giúp nâng trình tư duy một cách tối ưu nhất, đừng bỏ qua bài viết dưới đây nhé.   

1. Tư duy chiến lược là gì? 

1.1 Khái niệm 

Tư duy chiến lược (Strategic Thinking) là kỹ năng xác định mục tiêu, phân tích các yếu tố quan trọng (điểm mạnh, điểm yếu, lợi thế cạnh tranh, rủi ro tiềm tàng) ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của doanh nghiệp. Dựa vào cơ sở dữ liệu đã nghiên cứu, ban lãnh đạo có thể đưa ra những kế hoạch chiến lược giúp mang lại lợi ích, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển vững mạnh, lâu dài. 

Tư duy chiến lược là kĩ năng cần thiết đối với tất cả mọi người
Tư duy chiến lược là kỹ năng quan trọng mà ai cũng cần có để làm chủ công việc và cuộc sống. Nguồn:clevai.edu.vn

Để tăng mức độ chính xác, khi nghiên cứu cải thiện tư duy chiến lược cần gắn liền với bối cảnh kinh tế, sự biến động của thị trường, đối thủ cạnh tranh, nguồn lực sẵn có của doanh nghiệp. 

1.2 Tầm quan trọng 

Tư duy chiến lược mang lại những lợi ích tuyệt vời thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp: 

  • Tăng mức độ tập trung vào mục tiêu, vạch ra lộ trình kế hoạch rõ ràng, thực hiện hành động bám sát theo kế hoạch để đạt được mục tiêu đã đề ra. 
  • Tận dụng cơ hội tạo nên những lợi thế cạnh tranh, dự đoán những rủi ro tiềm tàng sắp xảy ra ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp từ đó đưa ra những phương án dự phòng ngăn chặn. 
  • Phát huy tối đa điểm mạnh và khắc phục điểm yếu, tạo nên cơ sở giúp doanh nghiệp thực hiện việc khai thác, phát triển, đầu tư một cách chính xác với nguồn lực sẵn có, mang lại hiệu quả tối ưu. 

2. Các dạng tư duy chiến lược 

Tư duy chiến lược được chia làm nhiều dạng, tuỳ thuộc vào kiến thức, chuyên môn, tầm nhìn và kỹ năng của nhà lãnh đạo. Trong thực tế, có 3 dạng tư duy thường gặp nhất: bảo thủ, nhạy bén, kiến tạo. 

2.1 Bảo thủ (Head in the Sand) 

Cá nhân sở hữu tư duy bảo thủ thường tự hào với những thành công đã đạt được, không có nhu cầu thay đổi, thử sức trong vấn đề khó khăn, ít chịu lắng nghe ý kiến phản hồi từ mọi người mà có thói quen chỉ đạo thực hiện công việc. Bằng cách sử dụng kế hoạch trong quá khứ ứng dụng cho vấn đề hiện tại, họ tin rằng kế hoạch sẽ thành công, đạt được kết quả như trước đây. 

Nguyên nhân những người có tư duy bảo thủ không thích thay đổi là vì dưới góc nhìn của họ mọi việc vẫn diễn ra suôn sẻ, mang đến những hiệu quả nhất định.

Trong tư duy chiến lược cần tránh tư duy bảo thủ
Cá nhân sở hữu tư duy bảo thủ ít khi chịu thay đổi vì họ lo sợ thất bại. Nguồn: franklincovey.vn

Tuy nhiên, càng bảo thủ thì cơ hội phát triển thành công ở hiện tại và tương lai ngày càng ít đi. Vì vậy, đây là kiểu tư duy chiến lược sai lầm, các nhà quản trị cần tránh mắc phải. 

Một ví dụ điển hình là câu chuyện khủng hoảng dẫn Domino Pizza đến giai đoạn suy thoái kéo dài trong nhiều năm liền. Thành lập vào năm 1960 liên tiếp gặt hái những thành công vang dội, nhưng trong suốt 40 năm doanh nghiệp luôn giữ lối tư duy bán hàng cũ, công thức vẫn không thay đổi, bỏ qua những xu hướng ẩm thực mới dẫn đến việc vướng phải những vấn đề phàn nàn về chất lượng, hương vị nước sốt,… Điều đó làm Domino Pizza trở nên nhàm chán đối với khách hàng khiến doanh số và uy tín của thương hiệu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.   

2.2 Nhạy bén theo thời cuộc ( Fast Follower) 

Trái ngược với đặc tính của tư duy bảo thủ, tư duy chiến lược nhạy bén theo thời cuộc luôn hướng đến sự đổi mới, cập nhật những xu hướng thông qua việc nghiên cứu thị trường, hành vi người tiêu dùng và sự thay đổi của đối thủ cạnh tranh để xây dựng kế hoạch phát triển, phù hợp với môi trường kinh doanh bên ngoài. 

Minh hoạ cho kiểu tư duy nhạy bén là câu chuyện Coca – Cola liên tục ra mắt sản phẩm mới, cập nhật xu hướng đồ uống lành mạnh để thích nghi với thị hiếu người tiêu dùng. Một số sản phẩm tiêu biểu có thể kể đến như: Coca – Cola Zero Sugar, Coca – Cola Light, Coca – Cola thêm cà phê nguyên chất, các loại nước tăng lực cung cấp vitamin,… 

2.3 Kiến tạo tương lai (Create the Future)  

Đây là kiểu tư duy chiến lược được đánh giá ở cấp độ tốt nhất. Nhà lãnh đạo ở cấp độ này phải có tầm nhìn xa trông rộng, đi trước thời cuộc, đón đầu xu hướng thậm chí tự tạo ra xu hướng trong tương lai. 

Trước năm 1995, người tiêu dùng chỉ quen việc làm sạch quần áo bằng bột giặt. Tuy nhiên, sợi vải sẽ bị khô cứng khi tiếp xúc nhiều lần với hóa chất tẩy rửa trong bột giặt. Với tư duy chiến lược kiến tạo tương lai, tập đoàn Unilever đã đón đầu xu thế khi tung ra dòng sản phẩm nước xả vải nhãn hiệu Comfort có công dụng làm mềm vải và lưu hương lâu hơn so với sản phẩm giặt thông thường. Comfort trở thành nhãn hiệu nước xả vải đầu tiên trên thế giới, tác động mạnh mẽ thay đổi thói quen giặt đồ hàng ngày của người tiêu dùng.  

Tư duy chiến lược giúp Unilever nắm bắt thời cơ tốt hơn
Unilever đón đầu xu hướng tung ra nhãn hiệu nước xả vải đầu tiên trên thế giới. Nguồn: avakids.com

3. 5 cấp độ tư duy chiến lược  

Tư duy chiến lược được phân chia ra làm 5 cấp độ. Dựa vào đặc điểm của từng cấp độ, các cá nhân có thể xác định được năng lực tư duy của mình đang nằm ở vị trí nào trong thang đo: 

  • Cấp độ 1: Mức độ kém  

Năng lực tư duy còn bị giới hạn khá nhiều, chỉ vận dụng được trong các tình huống đơn giản để giải quyết công việc cá nhân ví dụ: tự đặt mục tiêu riêng phù hợp với chiến lược phát triển của đội nhóm. 

Trong phạm vi cấp độ này, vai trò dẫn dắt của cấp quản lý vô cùng quan trọng, cần truyền tải kinh nghiệm, hướng dẫn và theo sát để điều chỉnh nhân viên cấp dưới đi đúng mục tiêu đã xác định. 

  • Cấp độ 2: Mức độ cơ bản 

Cá nhân có thể sử dụng tư duy để điều phối các tình huống, hoạt động đội/ nhóm, lường trước được hệ quả của vấn đề và đưa ra những phương án giải quyết phù hợp. Ở mức độ này, cá nhân có thể tự vận động tư duy của mình nhưng vẫn cần sự hỗ trợ từ đồng nghiệp và cấp trên. 

  • Cấp độ 3: Mức độ khá 

Cấp độ tư duy mức độ khá có khả năng xây dựng mục tiêu và kế hoạch của đội/nhóm dựa trên mục tiêu tổng thể của doanh nghiệp, kiểm soát tiến trình hoạt động của nhóm theo kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh việc đánh giá chính xác hệ quả của vấn đề, cá nhân có thể tự tìm ra nguyên nhân cốt lõi dẫn đến sự tồn tại của vấn đề. 

  • Cấp độ 4: Mức độ tốt 

Ở mức độ 4, cá nhân không cần sự hỗ trợ từ người khác mà vẫn có thể xử lý linh hoạt khi gặp tình huống khó khăn. Để đạt được cấp độ 4, cá nhân phải có kỹ năng truyền đạt mục tiêu, kế hoạch chiến lược của tổ chức đến các cấp liên quan, xác định cơ hội và nguy cơ tiềm tàng mà doanh nghiệp sắp đối mặt và đưa ra những phương án hành động phù hợp. 

  • Cấp độ 5: Mức độ xuất sắc 

Đây là mức độ khó đạt được nhất trong hành trình rèn luyện kỹ năng tư duy chiến lược. Nhà lãnh đạo sở hữu tư duy ở mức độ xuất sắc có khả năng xây dựng, sắp xếp mức độ ưu tiên của mục tiêu doanh nghiệp, truyền đạt tầm nhìn, chiến lược của tổ chức đến các đối tượng khác nhau, có trách nhiệm dẫn dắt, truyền tải hỗ trợ các cá nhân phát triển kỹ năng bổ trợ cho công việc. 

Tư duy chiến lược có 5 mức độ khác nhau
5 cấp độ tư duy để trở thành nhà lãnh đạo tài ba. Nguồn: unplash.com

4. 6 Tips giúp rèn luyện tư duy chiến lược hiệu quả 

4.1 Chia nhỏ công việc 

Nếu trong Toán học tồn tại phương pháp chia để trị, thì trong việc rèn luyện tư duy chiến lược cũng có phương pháp chia nhỏ công việc để thực hiện. Dựa vào tính chất và mục tiêu của từng loại công việc mà phân chia thành những vấn đề nhỏ để giảm tải áp lực xử lý, giúp tăng mức độ tập trung hiệu quả.  

4.2 Đặt câu hỏi “Tại sao” 

Khi đối diện với một vấn đề khó khăn, phản xạ của hầu hết chúng ta ngay lập tức đi tìm phương pháp giải quyết, mặc dù chưa có bất kì cơ sở dữ liệu nào. Doanh nghiệp hãy thử phương pháp khác thông qua đặt câu hỏi “Tại sao”: Tại sao sự việc đó lại xảy ra? Tại sao phải làm công việc này mà không phải công việc kia? Tại sao kế hoạch lại phải thực hiện theo thứ tự này?… 

Việc đặt những câu hỏi sẽ giúp doanh nghiệp có thể nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau, thu thập được nhiều dữ liệu quan trọng làm cơ sở giải quyết vấn đề hiệu quả và nhanh chóng.  

4.3 Xác định mục tiêu 

Bất cứ kế hoạch nào khi thực hiện cũng cần có mục tiêu để xác định đích đến trong công việc. Vì vậy, khi đối diện với những tình huống khác nhau, cá nhân cần xác định mục tiêu, nhận định vấn đề, hạn chế phán đoán chủ quan. Đây là lúc nên dựa vào thông tin, dữ liệu để đưa ra hướng xử lý phù hợp nhất. 

4.4 Góc nhìn đa chiều 

Góc nhìn đa chiều dựa trên kỹ năng tiếp thu ý kiến, lắng nghe tích cực. Nếu chỉ dựa vào kiến thức và kinh nghiệm bản thân để nhìn nhận và xử lý vấn đề, phần trăm thất bại sẽ cao hơn so với việc có thêm nhiều góc nhìn. Vì vậy, trước khi đưa ra phương án xử lý những vấn đề quan trọng, cá nhân cần thu thập thêm dữ liệu, lắng nghe ý kiến từ chuyên gia, những người có kinh nghiệm, tham khảo những giải pháp từ các vấn đề tương tự để có quyết định sáng suốt nhất.

Doanh nghiệp có thể đề ra nhiều giải pháp với góc nhìn đa chiều.
Dựa vào góc nhìn đa chiều để giải quyết vấn đề với nhiều giải pháp tiềm năng hữu ích. Nguồn: clevai.edu.vn

4.5 Dự toán và kiểm soát nguồn lực 

Dự án có được thực hiện đúng tiến độ hay không phụ thuộc rất lớn vào việc đảm bảo nguồn lực. Để dự toán và kiểm soát nguồn lực chính xác, cá nhân nên liệt kê những tài nguyên cần có để thực hiện kế hoạch: quỹ thời gian, ngân sách tài chính, nhân sự thực hiện, trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý, công cụ phần mềm có thể sử dụng,…  

4.6 Xây dựng thói quen rèn luyện tư duy 

Để rèn luyện kỹ năng tư duy chiến lược thành công không phải là điều dễ dàng thực hiện, cá nhân phải cố gắng nỗ lực, chăm chỉ, thậm chí là chịu thất bại, vấp ngã để tích lũy kinh nghiệm tạo nên nền tảng phát triển năng lực bản thân. Đặc biệt, cần hình thành thói quen rèn luyện tư duy liên tục để nhận thức và hành động trở nên linh hoạt, nhạy bén chủ động trước mọi tình huống phát sinh bất ngờ.  

Bài viết trên đây mang đến cho độc giả những thông tin chuyên sâu về tư duy chiến lược. Hiểu rõ về tầm quan trọng của việc vận dụng tư duy sẽ giúp bản thân định hướng được những phương pháp rèn luyện đúng đắn nhằm đạt được những cấp độ cao hơn. Mỗi cá nhân hãy hình thành thói quen trau dồi năng lực tư duy thường xuyên để trở thành nhà lãnh đạo chuyên nghiệp. 

Bemo Cloud mong muốn trở thành trợ thủ đắc lực, đồng hành cùng bạn trên hành trình rèn luyện tư duy chiến lược. Bemo cung cấp các giải pháp chuyển đổi số giúp doanh nghiệp dễ dàng quản lý tài nguyên, phân bổ nguồn lực phù hợp, tạo điều kiện sáng tạo đổi mới, thúc đẩy sự phát triển của cá nhân trên con đường sự nghiệp.