Đổi mới công nghệ – Vấn đề mang tính “sống còn” của doanh nghiệp
Nâng cao năng lực quản trị và đổi mới công nghệ là vấn đề mang tính “sống còn” của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, có không ít doanh nghiệp đang đối mặt với các rào cản như thiếu thông tin về công nghệ, chưa biết bắt đầu từ đâu, hay loay hoay tìm nhà cung cấp phù hợp.
Vậy tầm quan trọng của việc đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp cụ thể thế nào? Và doanh nghiệp cần làm gì để bắt kịp xu hướng đổi mới về công nghệ? Hãy cùng đọc bài viết sau của Bemo để nắm bắt được thông tin nhé!
Table of Content
1. Đổi mới công nghệ là gì?
Đổi mới công nghệ là quá trình thay thế một phần hay toàn bộ công nghệ đang sử dụng bằng một công nghệ mới khác tiên tiến, hiệu quả hơn. Mục đích đổi mới công nghệ là góp phần giúp doanh nghiệp tăng năng suất, chất lượng của quá trình sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới tốt hơn để nâng cao hiệu suất và phục vụ cho thị trường.
Có 5 trường hợp liên quan đến đổi mới công nghệ bao gồm: Đưa ra sản phẩm mới; đưa ra phương pháp sản xuất mới; chinh phục thị trường mới; sử dụng nguồn nguyên liệu mới và tổ chức mới đơn vị sản xuất.
2. Tại sao doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ
Hiện Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng của việc phát triển kinh tế, xã hội. Điều này đòi hỏi cả nước phải đặt ra những ưu tiên quan trọng trong việc xây dựng và kiến tạo đất nước.
Với thực trạng hạn chế nhiều về vốn và lao động chất lượng cao như hiện nay, một trong những ưu tiên quan trọng các doanh nghiệp cần quan tâm chính là nâng cao năng lực và đổi mới sáng tạo. Từ đó, thúc đẩy sản xuất và tăng cường kinh tế không chỉ trong nội bộ doanh nghiệp mà còn trên cả nước.
Muốn phát triển, doanh nghiệp buộc phải đổi mới quy trình sản xuất cũ, kém hiệu quả. Chỉ có công nghệ mới đóng vai trò là trung tâm, là chìa khóa trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng năng suất lao động, tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí cũng như nguyên vật liệu và vẫn tạo ra những sản phẩm có chất lượng.
Những doanh nghiệp biết chú trọng, tập trung vào đổi mới, phát triển công nghệ sẽ thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường. Có thể nói, muốn phát triển, doanh nghiệp buộc phải tập trung nghiên cứu, tạo ra và làm chủ công nghệ. Đồng thời, biết ứng dụng hiệu quả các công nghệ cao vào trong quá trình hoạt động và sản xuất.
3. Thực trạng đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp Việt Nam hiện ra sao?
Có một thực trạng đáng buồn hiện nay là các chính sách và thể chế nhà nước đưa ra vẫn chưa phù hợp với đổi mới và sáng tạo. Hầu hết các chính sách thường phi thực tế, không phù hợp với năng lực và nhu cầu của doanh nghiệp. Dẫn đến năng lực thiết kế, thực thi còn gặp nhiều khúc mắc.
Ngoài ra còn một số rào cản làm ảnh hưởng đến quá trình đổi mới công nghệ diễn ra tại doanh nghiệp. Nhiều trường hợp đổi mới còn mang tính nhỏ lẻ, thiếu liên kết giữa viện, trường và doanh nghiệp nên khó triển khai bài bản. Chưa có nhiều chính sách ưu đãi dành cho các hoạt động hợp tác giữa viện, trường và doanh nghiệp, thậm chí còn gây thêm rào cản khi hợp tác.
Thực tế là sau khi đối mặt với khủng hoảng đến từ đại dịch COVID-19, doanh nghiệp Việt đã có nhiều thay đổi lớn trong tư duy và cách thức hoạt động. Họ dần nhận thức được giá trị của công nghệ đối với sự tồn tại và phát triển của chính mình.
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có hơn 25% doanh nghiệp bắt đầu sử dụng công nghệ từ khi xảy ra đại dịch và có ý định tiếp tục sử dụng công nghệ về sau này.
Những nhận định dựa trên số liệu khảo sát và thống kê của báo cáo “Đổi mới công nghệ tại Việt Nam” cho thấy: Cần phải có những thay đổi liên quan đến chính sách mới giải quyết được những khúc mắc liên quan đến đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp.
Nhóm thực hiện báo cáo cũng đề xuất một số giải pháp về chính sách như tăng cường đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp, thúc đẩy R&D và các ngành công nghiệp mới nhằm nâng cao đường biên về công nghệ, phát triển các công cụ về chính sách, hiệu lực của cơ chế thực thi nhằm tạo động lực tổng thể cho phát triển công nghệ.
4. Doanh nghiệp cần làm gì để bắt kịp xu hướng đổi mới về công nghệ
Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Đỗ Mạnh Hùng đưa ra lời khuyên dành cho các doanh nghiệp trong thời đại 4.0: Doanh nghiệp cần biết cách đi ngược lại quy luật để tạo sự khác biệt. Nên chọn cách làm sai nhanh hơn để rút ra được cái đúng nhanh hơn.
Không một doanh nghiệp nào lớn mạnh khi không chịu thay đổi và tiếp thu cái mới. Đặc biệt là về công nghệ, công nghệ mới thường phát triển rất nhanh khiến những cái cũ sớm bị lạc hậu và bài trừ. Đơn cử như những ông lớn trong ngành kinh doanh điện thoại là Nokia hay Sony Ericsson. Những tập đoàn này từng rất lớn mạnh, thậm chí đi đầu nhưng do thờ ơ với tốc độ phát triển của công nghệ mà mất dần thị phần dẫn đến sụp đổ.
Vì thế, dù là doanh nghiệp lớn hay nhỏ cũng đều cần cập nhật liên tục những thay đổi để theo kịp đà phát triển và có được chỗ đứng vững chắc trong giai đoạn cách mạng 4.0 bùng nổ như hiện nay. Muốn bắt kịp xu hướng đổi mới về công nghệ, doanh nghiệp cần:
4.1 Xác định đúng vị trí của mình
Doanh nghiệp cần dành thời gian để xác định đúng khả năng và vị trí của mình đang ở đâu. Điều gì đang làm tốt và điều gì cần thay đổi, nâng cấp để phù hợp với thị trường hiện tại và trong tương lai.
4.2 Không ngừng đổi mới sáng tạo
Muốn chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp sẽ cần có sự thay đổi lớn liên quan đến chiến lược kinh doanh và các hình thức hoạt động của doanh nghiệp. Vì thế, sẽ có một cuộc cách mạng, một sự thay đổi lớn đối với toàn bộ doanh nghiệp, gây áp lực lên toàn bộ ban lãnh đạo tại doanh nghiệp.
Phải thừa nhận rằng công nghệ là thứ thường xuyên thay đổi. Doanh nghiệp muốn phát triển, bắt kịp xu thế phải biết đổi mới, sáng tạo, dám xóa bỏ các công nghệ cũ, lạc hậu để tiếp cận những phương thức mới, tiên tiến.
4.3 Giải pháp về nguồn nhân lực
Muốn bắt kịp đổi mới về công nghệ, doanh nghiệp cần có nguồn nhân lực chất lượng cao để làm chủ được công nghệ mới. Đây cũng chính là điều mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn.
Con người vẫn luôn là nguồn lực quý giá nhất của doanh nghiệp kể cả trong kỷ nguyên số. Trước hết, doanh nghiệp cần có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, chuyên viên chủ chốt bằng các chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức và trang bị những kỹ năng cần thiết, thành thạo chuyên môn, tin học và ngoại ngữ. Tiếp đến là có chiến lược bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp.
4.4 Giải pháp về vốn đầu tư
Đầu tư cho chuyển đổi số chính là thay đổi từ nhận thức, chiến lược, cơ sở hạ tầng cho đến giải pháp công nghệ nên sẽ đòi hỏi số vốn đầu tư rất lớn. Việc phải đầu tư lớn về tài chính trong khi chưa chắc chắn về hiệu quả, thậm chí phải đối mặt nguy cơ thất bại sẽ là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp Việt.
Vì thế, doanh nghiệp cần có cái nhìn sáng suốt và chuẩn bị số vốn lớn trước khi bắt đầu vào bất cứ cuộc cải tổ nào. Nếu thành công sẽ là điều tốt, trường hợp thất bại cũng không làm doanh nghiệp phải quá lao đao.
4.5 Ứng dụng hợp lý các công nghệ từ cuộc cách mạng 4.0
Đa số doanh nghiệp Việt vẫn còn chưa hiểu rõ và áp dụng chuẩn về quy trình. Vì thế không nên quá nóng vội mà cần tìm hiểu xem công nghệ nào mới thực sự phù hợp cho từng giai đoạn chuyển đổi. Từ đó hoàn thiện cả về mặt quy trình và đổi mới khi chưa làm chủ được công nghệ lõi của chuyển đổi số.
Vì thế, chúng ta vẫn phải nghiên cứu các công nghệ sẵn có trên thế giới. Sau đó cân nhắc xem có phù hợp với mô hình kinh doanh và tính chất thực tế của doanh nghiệp mình hay không.
Hy vọng bài viết trên của Bemo giúp doanh nghiệp có cái nhìn khách quan hơn về tầm quan trọng của việc bắt kịp những đổi mới về công nghệ. Nếu cần tư vấn về giải pháp phù hợp trong chuyển đổi số nhằm nâng cao công tác quản trị cũng như thúc đẩy năng lực sản xuất, vui lòng liên hệ ngay với Bemo để được hỗ trợ tốt nhất.